Sống khỏe: 20 lời đồn thổi về sức khỏe thường gặp

Sống khỏe: 20 lời đồn thổi về sức khỏe thường gặp

Sống khỏe: 20 lời đồn thổi về sức khỏe thường gặp

Sống khỏe: 20 lời đồn thổi về sức khỏe thường gặp

Sống khỏe: 20 lời đồn thổi về sức khỏe thường gặp
Trang chủ / Blog / Sức khoẻ toàn diện

Sống khỏe: 20 lời đồn thổi về sức khỏe thường gặp

 

1. Uống 8 ly nước mỗi ngày
Cơ thể của bạn hoạt động tốt nhất nếu bạn uống trên 8 ly nước mỗi ngày? Điều này không cần thiết. Mỗi người có một nhu cầu về chất lỏng khác nhau. Thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, cũng như kích thước cơ thể, giới tính, và mức độ hoạt động của bạn cũng đóng một phần trong nhu cầu về chất lỏng của bạn. 
 
Một số người cho rằng uống 8 ly nước mỗi ngày giúp giảm cân. Điều này không đúng với 38 thanh thiếu niên thừa cân và béo phì được các nhà nghiên cứu yêu cầu uống nhiều nước trong vòng sáu tháng. Một số khác thì cho rằng uống thêm nước khi bạn không khát sẽ giúp hydrat hóa hoặc làm mịn da, giảm đau đầu hoặc giúp loại bỏ nhiều độc tố từ thận. Các tuyên bố này đã được xem xét cẩn thận và được chứng minh là không đúng: "Không có bằng chứng rõ ràng về lợi ích của việc tặng lượng nước nạp vào cơ thể". Thay vào đó, mọi ngưởi chỉ cần uống nước khi khát là đã đủ rồi.
 

 

2. Trứng có gây hại cho tim hay không?

Trứng chứa nhiều cholesterol hơn so với các loại thực phẩm khác. Cholesterol trong máu có liên quan mạnh mẽ đến bệnh tim và các cơn đau tim. Vậy phải chăng ăn nhiều trứng sẽ có hại cho tim của bạn? Có vẻ đúng, nhưng hầu hết các nghiên cứu dinh dưỡng lại nói khác.
 
Ăn 1 quả trứng mỗi ngày không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, (nguyên nhân dẫn đến chứng đau tim) cho những người có lượng cholesterol bình thường. Đó có thể là do trứng còn có các đặc tính giúp bảo vệ tim mạch. Dù lý do là gì đi nữa, thói quen ăn trứng của bạn cũng không hẳn gây hại cho trái tim của bạn.
 

 

 
3. Ung thư hay Alzheimer đến từ chất ức chế mồ hôi?
Hơn 40 năm trước, các chuyên gia về sức khỏe gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất ức chế mồ hôi và chứng mất trí nhớ. Các nhà nghiên cứu tìm thấy tỷ lệ nhôm trong não của bệnh nhân Alzheimer cao hơn bình thường. Đã có những lo ngại cho rằng nhôm nằm chặn tạm thời trong các ống dẫn mồ hôi của bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh. Nhưng theo thời gian, không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh được điều này. Thay vào đó, có vẻ như Alzheimer khiến não bị thu nhỏ, và khiến cho nồng độ nhôm tăng cao. Và có vẻ như nhôm trong chất ức chế mồ hôi hầu như không được hấp thụ bởi da của bạn. Nói cách khác, nhôm trong não dường như là hậu quả của bệnh Alzheimer, chứ không phải là nguyên nhân gây Alzheimer, và chất chống mồ hôi có thể không làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
 
Kiến thức khoa học sai đã tạo ra nỗi sợ Alzheimer, nhưng một thông điệp trực tuyến vào những năm 90s đã thuyết phục rất nhiều phụ nữ tin rằng chất ức chế mồ hôi làm tăng nguy cơ ung thư vú. Thông điệp đã tuyên bố một cách sai lệch rằng chất ức chế mồ hôi giữ lại các hóa chất độc hại bên trong cơ thể bạn. Nhưng thực tế những chất này chỉ là mồ hôi và muối cơ thể, còn nước tiểu và phân của bạn mới loại bỏ các hóa chất độc hại hơn. Đồng thời, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng đã khẳng định rằng không có mối liên hệ nào giữa thuốc ức chế mồ hôi và ung thư vú.
 

 

 

 
4. Không khí lạnh gây cảm lạnh?
Bạn có thể đã nghe điều này từ mẹ của bạn: "Đừng ra ngoài với mái tóc ướt, bằng không con sẽ bị cảm lạnh!" Với tất cả sự tôn trọng dành cho mẹ, đó không phải là nguyên nhân gây cảm lạnh. Nếu bạn đi ra ngoài trong thời tiết lạnh, có hoặc không có quần áo hoặc tóc ướt, nguy cơ cảm lạnh xảy đến với bạn cũng không cao hơn so với người khác. Cảm lạnh đến từ virus và virus có thể lây lan bất kể thời tiết.
 
Tại sao cảm lạnh và cúm trở nên phổ biến trong mùa đông? Đúng là có "mùa lạnh" và "mùa cúm" kéo dài từ khoảng tháng 10 đến tháng 5. Nhưng tại sao? Một giả thuyết cho rằng thời tiết lạnh buộc mọi người ở trong nhà, nơi vi-rút cúm và cảm lạnh lây lan dễ dàng hơn trong một không gian kín, với nhiều người tập trung lại với nhau.
 
5. Có phải ai cũng cần vitamin tổng hợp?
Về nguyên tắc, vitamin rất tốt cho sức khỏe. Chúng có đầy đủ các chất dinh dưỡng cho phép cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật, để cho các tế bào của chúng ta phát triển và để các cơ quan của chúng ta làm việc. Vì vậy, uống một liều vitamin hàng ngày có vẻ có lợi, phải không? Không hẳn vậy. Vitamin không hẳn là vô hại. Dung nạp các chất bổ sung beta-carotene và vitamin A và E có liên quan đến tỷ lệ tử vong tăng. Hơn nữa, những người trưởng thành được nuôi dưỡng tốt sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích chống lại bệnh tật hay bất kỳ lợi ích nào khác từ việc uống thêm vitamin. Hầu hết người Mỹ nhận được tất cả các vitamin họ cần từ chế độ ăn của họ, và thêm vitamin thì cũng không hữu ích gì.
 
Mặc dù vậy, rất nhiều người trưởng thành có ý thức về sức khỏe đang dùng vitamin tổng hợp. Khoảng 40% dân số trưởng thành sử dụng vitamin bổ sung vào đầu những năm 1990, và con số này đã tăng đến hơn một nửa ngày nay. Rất nhiều người dùng vitamin "chỉ để phòng ngừa”, nhưng nhiều bác sĩ đã khuyến cáo rằng số tiền chi cho vitamin tổng hợp là thật sự lãng phí. "Cho rằng vitamin là  bảo hiểm cho sức khỏe của bạn là một niềm tin “mê tín” và chúng ta cần phải loại trừ nó”, tiến sĩ dinh dưỡng Miriam Nelson nói.
 
Tuy nói là vậy, nhưng có một số người cần sử dụng loại thực phẩm bổ sung này. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn nếu bạn đang mang thai hoặc cần dùng chúng cho một vấn đề sức khỏe đặc biệt nào đó. Nhưng nếu bạn khỏe mạnh, vitamin tổng hợp sẽ không giúp được gì, mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Các chuyên gia dinh dưỡng đồng ý rằng cách tốt nhất để đưa vitamin vào cơ thể là thông qua trái cây và rau quả.
 
6. Ăn sáng có giúp bạn giảm cân?
Có lẽ bạn đã nghe nói rằng bỏ bữa sáng khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Điều đó có đúng không? Chắc là không. Mặc dù một số bằng chứng dường như chỉ ra điều đó, nhưng những bằng chứng đó cũng bị phản biện vì sự thiếu công tâm trong việc việc giải thích sai lệch các dữ liệu và học thuật của các nhà nghiên cứu khác.
 
Lập luận về phương pháp giảm cân bằng bữa sáng như sau: nếu bạn ăn sáng, bạn sẽ không đói vào ban ngày và bạn sẽ ăn ít calo hơn vào buổi tối khi cơ thể ít hoạt động nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này không quan trọng lắm khi bạn nhận được lượng calo bản thân cần mỗi ngày. Phần lớn cơ thể bạn xử lý calo như nhau cho dù bạn ăn nó vào buổi tối hay buổi sáng.
 
Tuy nhiên, có một nghiên cứu cho thấy một số khác biệt về sức khỏe giữa bỏ bữa sáng và bỏ bữa tối. Trong nghiên cứu đó, những đối tượng bỏ bữa sáng có bằng chứng về tình trạng viêm trong máu tăng cao. Đây có thể là một lý do để ăn sáng, nhưng lợi ích sức khỏe của bữa sáng chưa được chứng minh cụ thể. Một nghiên cứu khác cho thấy một số người sẽ giảm cân nếu họ thay đổi thói quen ăn uống: bắt đầu thói quen ăn sáng hoặc từ bỏ bữa sáng. Trong cả hai trường hợp, những người ăn kiêng thay đổi thời gian dung nạp calo của họ sẽ giảm cân nhiều hơn.
 
7. Có phải niêm dịch xanh tiết lộ nhiễm trùng?
Nhiều người tin rằng nếu họ thấy màu xanh lá cây sau khi xì mũi, thì đã đến lúc đi bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh. Bạn có đang bảo vệ sức khỏe của bạn theo cách này? Không hẳn vậy. Hiểu biết điều này sẽ giúp bạn biết kháng sinh hoạt động như thế nào.
Khi bạn dùng thuốc kháng sinh, bạn chỉ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn. Hầu hết cảm lạnh là do virus, và thuốc kháng sinh hoàn toàn vô dụng chống lại virus. Thật không may, màu sắc của chất nhầy của bạn không chỉ ra nhiễm trùng vi khuẩn, vì nhiễm virus cũng có thể tạo ra chất nhầy màu xanh lá cây.
 
Nếu chất nhầy màu xanh lá cây không có nghĩa là bạn cần thuốc kháng sinh, vậy thì khi nào bạn mới cần kháng sinh? Dưới đây là một vài dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn:
 
Sốt cao không ngừng.
Chất nhầy của bạn trông dày và trắng như mủ.
Bạn đã bị bệnh hơn 10 ngày.
Các triệu chứng của bạn rất nghiêm trọng và chúng không chuyển biến tốt hơn với các biện pháp trị cảm lạnh tiêu chuẩn.
 
8. Đường có làm cho trẻ em hiếu động?
Bạn và con bạn đang thưởng thức một bữa tiệc Halloween sôi động với nhiều loại kẹo và đồ ngọt khác. Khi màn đêm buông xuống, chúng vẫn không dừng lại và không nghe lời khi bạn nói rằng đã đến lúc phải về nhà. Nghe có vẻ quen không? Rất nhiều cha mẹ cho rằng trẻ có hành vi ngang ngược này là do lượng đường mà chúng vừa ăn. Nhưng đường dường như không làm gì để thúc đẩy hành vi hiếu động ở trẻ.
 
Truyền miệng này kéo dài đến ngày nay  bởi vì nó phụ thuộc vào người mà bạn hỏi. Khi cha mẹ được hướng dẫn thêm hoặc loại bỏ đường khỏi bữa ăn của con cái, những bậc cha mẹ này nghĩ rằng họ đã thấy hành vi của con mình thay đổi. Họ báo cáo về mối liên quan giữa đường và sự hiếu động. Đây có thể là do chế độ ăn kiêng phổ biến vào đầu những năm 1970 được gọi là Chế độ ăn kiêng Feingold, kêu gọi cha mẹ loại bỏ đường và các chất phụ gia thực phẩm khác để giúp trẻ bình tĩnh và bớt hiếu động hơn. Chế độ ăn kiêng đó được chứng minh là không đúng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn tin rằng trẻ em sẽ hiếu động hơn sau khi ăn đường. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu quan sát, họ không thể tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa những đứa trẻ ăn đường và những đứa trẻ không ăn.
 
Trong một nghiên cứu gồm những đứa trẻ nhạy cảm với đường và những đứa trẻ bình thường khác, các nhà nghiên cứu đã cho bọn trẻ ăn đường và hai chất thay thế đường để xem những hóa chất khác nhau này thay đổi hành vi của trẻ như thế nào. Những gì họ tìm thấy là không có sự khác biệt đáng kể nào giữa những đứa trẻ. Điều đó dường như sẽ xóa tan niềm tin về lời truyền miệng này, nhưng tư tưởng cho rằng đường gây ra sự hiếu động vẫn tồn tại.
 
9. Bạn có thể bị mắc bệnh từ một chỗ ngồi trong nhà vệ sinh?
Bạn có thể không thích sử dụng nhà vệ sinh công cộng, nhưng bạn cũng không cần phải sợ mắc bất kỳ bệnh nào từ nhà vệ sinh. Bạn cần nhớ rằng các vi khuẩn gây bệnh có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn có thể tìm thấy chúng trên bàn phím, trên tay nắm cửa, tiền và thậm chí trên điện thoại thông minh của bạn. Vâng, có lẽ chúng cũng xuất hiện trên bệ toilet. Nhưng hãy nghĩ xem, nơi nào được làm sạch thường xuyên hơn: nhà vệ sinh hay điện thoại của bạn? Cái nào bạn đưa đến gần mặt hơn? So với các vật thể khác mà bạn chạm vào mỗi ngày, nhà vệ sinh không phải là nguồn vi khuẩn gây bệnh đáng kể.
 
Một lời đồn thổi cần được dập tắt là câu chuyện về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Bạn thực sự có thể bị STI từ nhà vệ sinh không? Hầu như chắc chắn là không. Những bệnh này tồn tại và lây lan từ việc tiếp xúc da kề da, và khi những vi khuẩn này chạm phải đồ sứ lạnh, chúng sẽ sớm chết. Chưa có trường hợp nào được ghi nhận rằng STI lây truyền qua việc ngồi trên bệ toilet.
 
Tuy vậy, vẫn có một vài bệnh vi khuẩn phổ biến có thể lây từ bồn vệ sinh. Nhưng tin vui là, bạn có thể gần như loại bỏ những rủi ro này chỉ bằng cách rửa tay. Những bệnh này bao gồm vi khuẩn E. coli, Strep và Staph, cũng như các vi khuẩn (vi rút) chịu trách nhiệm về cảm lạnh và cúm. Nhưng hãy nhớ rằng - những vi khuẩn này chỉ gây bệnh khi xâm nhập được vào cơ thể bạn, và việc chúng “đậu lại” trên da bạn không đồng nghĩa với việc chúng xuyên qua được. Chúng cần được tiếp xúc với màng nhầy của bạn - mắt, mũi hoặc miệng - thì mới gây ra bất kỳ thiệt hại gì. Vì vậy, hãy tránh chạm vào mặt trước khi rửa tay, bạn sẽ ổn thôi.
 
10. Liệu rằng bẻ đốt ngón tay có gây ra viêm khớp?
Bạn có thể chọc tức người khác bằng những tiếng động này, nhưng việc bẻ khớp ngón tay không khiến cho bạn bị bệnh viêm khớp. Âm thanh “Bóp! Bóp” đó đến từ bong bóng vỡ trong chất lỏng khớp của bạn.
Tuy vậy, thói quen này cũng không phải là vô hại. Nếu bạn thường xuyên bị bẻ khớp ngón tay, bạn đang có nguy cơ bị sưng tay. Bẻ khớp ngón tay thường xuyên cũng tác động nhiều đến khả năng và sức mạnh cầm nắm của tay.
 
11. Thực phẩm tự nhiên luôn tốt nhất?
Người tiêu dùng thích thực phẩm tự nhiên, và ngành công nghiệp thực phẩm biết điều này. Bạn có thể tìm thấy các thực phẩm như kem, khoai tây chiên, và soda có thể được dán nhãn "hữu cơ" hoặc "tự nhiên" và bày bán trên kệ cửa hàng tạp hóa. Điều này có làm cho chúng trở thành thực phẩm lành mạnh? Không hề. Muối là tự nhiên, và nhiều độc tố cũng vậy. Dán nhãn một loại thực phẩm là "tự nhiên" cũng không cho bạn đủ thông tin để đưa ra các lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe.
 
Để biết một thực phẩm có lành mạnh hay không, bạn phải kiểm tra nhãn mác. Ngay cả những thực phẩm có thành phần hữu cơ hoặc tự nhiên cũng có thể chứa đầy chất béo bão hòa, đường và các nguồn calo khác.
Thực phẩm tự nhiên không nhất thiết là thực phẩm lành mạnh. Nhưng tất nhiên, rất nhiều thực phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe. Những người ăn uống lành mạnh thường bỏ qua thực phẩm chế biến sẵn (thường chứa đầy hóa chất nhân tạo) và lấp đầy các xe hàng tạp hóa của họ với trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
 
12. Vắc xin có hại không?
Nỗi sợ hãi về vắc-xin đã khiến nhiều bậc cha mẹ trì hoãn hoặc tránh chúng hoàn toàn trong việc điều trị cho con cái họ. Những nỗi sợ hãi có hợp lý chăng? Vắc xin có thể gây hại không?
 
Vắc xin, giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng không đáng kể, chẳng hạn như một vết sưng nhỏ màu đỏ phát triển nơi kim đâm vào. Hiếm khi vắc-xin gây ra dị ứng, và các bác sĩ và y tá có thể tìm được nguyên nhân nếu trẻ có biểu hiện dị ứng. Bạn nên theo dõi các dấu hiệu phản ứng của trẻ trong vài ngày sau khi tiêm chủng.
 
Nhược điểm của việc tiêm chủng là gây ra một chút bất tiện. Còn ưu điểm chính là bảo vệ bạn khỏi các bệnh cực kỳ nguy hiểm và thường gây tử vong. Các bệnh như bại liệt, sởi và ho gà đã được kiểm soát thành công bằng vắc-xin, nhưng giờ đây dịch bệnh đang ngày một tăng khi mà nỗi sợ vắc-xin đang gia tăng. Đừng tin vào nỗi sợ hãi. Để bảo vệ tất cả trẻ em, tốt nhất là bạn nên tiêm phòng cho trẻ.
 
13. Lò vi sóng và điện thoại thông minh gây ung thư?
Lò vi sóng và điện thoại di động có điểm chung gì? Cả hai đều phát ra năng lượng, còn được gọi là bức xạ. Chúng có liên quan gì đến bệnh ung thư không? Không nhiều. Một số công cụ phát ra năng lượng có thể làm hỏng DNA và làm tăng nguy cơ ung thư, chẳng hạn như máy X-quang. Tương tự, ánh sáng tia cực tím phát ra từ mặt trời có thể gây ung thư da. Nhưng không phải tất cả những thứ phát ra năng lượng đều gây hại cho DNA của bạn. Cơ thể của bạn là một ví dụ, luôn tỏa năng lượng để tạo ra sự ấm áp.
Để hiểu tại sao tia X có thể làm hỏng DNA nhưng điện thoại thông minh và lò vi sóng thì không thể, bạn cần biết một vài kiến thức quan trọng về bức xạ. Bức xạ có thể là năng lượng cao hoặc năng lượng thấp. Tất cả chúng tồn tại trên phổ điện từ. Bức xạ năng lượng cao như tia X và tia gamma được đẩy từ vụ nổ hạt nhân có thể làm hỏng DNA của bạn. Tuy nhiên, bức xạ năng lượng thấp, bao gồm loại phát ra từ điện thoại thông minh và lò vi sóng, không đủ mạnh để gây hại cho DNA.
 
Mặc dù vậy, vẫn đang có các nghiên cứu về việc liệu điện thoại di động hoặc tháp điện thoại di động có gây ra khối u hoặc các dạng ung thư khác hay không. Một số người nghĩ rằng ngay cả khi không làm hỏng DNA của bạn, sóng vô tuyến phát gửi tín hiệu đến di động của bạn cũng  có thể gây hại cho bạn. Tuy nhiên, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết có "rất ít bằng chứng" về tác hại từ các tháp điện thoại di động. Khi nói đến điện thoại, "bằng chứng ... bị hạn chế, và cần nhiều nghiên cứu hơn."
 
14. Vi khuẩn luôn có hại?
Khi bạn nghe thấy từ "vi khuẩn", nó có khiến cho bạn nổi da gà không? Những sinh vật đơn bào nhỏ bé đó chịu trách nhiệm cho một số bệnh khủng khiếp, bao gồm bệnh lao, giang mai và bệnh tả. Có vẻ như bạn sẽ không muốn ở bất cứ nơi nào gần vi khuẩn, phải không? Nhưng mà, có một vấn đề thế này: cơ thể bạn có nhiều tế bào vi khuẩn hơn tế bào người.
 
Làm thế nào chúng ta có thể sống với vi khuẩn mỗi ngày nếu chúng rất có hại? Vâng, tác hại phụ thuộc vào loại vi khuẩn. Mặc dù có một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn cần đề phòng, nhưng hầu hết các vi khuẩn chúng ta tiếp xúc đều trung tính hoặc có lợi cho cuộc sống của con người. Đôi khi chúng ta thậm chí có thể gây hại cho cơ thể bằng cách tiêu diệt vi khuẩn sống bên trong, nhiều trong số chúng giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn và thực hiện các chức năng khác. Vì lý do đó, nhiều bác sĩ khuyên dùng các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua, được ăn đúng lúc trong quá trình sử dụng kháng sinh.
 
15. Liệu vi lượng đồng căn có điều trị hoặc chữa bệnh được không?
Vi lượng đồng căn là phương pháp trộn một lượng nhỏ thuốc hoặc thảo mộc vào nước để sử dụng, với mong muốn đảo ngược tác dụng của thuốc hoặc thảo mộc. Những người hành nghề vi lượng đồng căn tin rằng nước có thể giữ lại "ký ức" của một loại thuốc theo cách này. Nó đã được thực hành từ những năm 1700, thời điểm mà y học hiện đại thường xuyên giết chết bệnh nhân của mình, và vào thời điểm đó, sự vô hại của vi lượng đồng căn (các phương pháp chữa bệnh chủ yếu là nước) khiến nhiều người cho rằng nó có hiệu quả.
 
Các nhà khoa học đã nghiên cứu vi lượng đồng căn hàng trăm lần. Họ đã xem xét các bằng chứng từ các nghiên cứu này hơn một chục lần trong các nghiên cứu tổng hợp. Kết quả? Tất cả đều "không có bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ phương pháp vi lượng đồng căn", theo nhà vật lý và người thực hành vi lượng đồng căn được đào tạo Edzard Ernst, người đã viết một bài đánh giá trong các nghiên cứu tổng hợp.
 
Phương pháp điều trị vi lượng đồng căn tiếp tục được bán tại các hiệu thuốc và siêu thị, mặc dù chúng thường chỉ là nước. Chúng không cần phải chứng minh hiệu quả của mình để được đặt bên cạnh các loại thuốc khác. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi, vì FDA đã đưa ra các quy tắc mới khiến cho các biện pháp vi lượng đồng căn trở nên khó khăn hơn để tìm một vị trí bên cạnh thuốc được chứng minh khoa học trên kệ thuốc.
 
16. Chế độ ăn kiêng theo nhóm máu có hiệu quả không?
Nhóm máu của bạn có thể hỗ trợ bạn giảm cân chăng? Một cuốn sách ăn kiêng ra đời vào năm 1996 tuyên bố nó có thể. Nó đề xuất một số chế độ ăn kiêng tùy thuộc vào loại máu của một người. Phải mất 18 năm, để các nhà nghiên cứu đưa ý tưởng này vào thử nghiệm. Kết quả có lẽ sẽ không khiến tim bạn đập nhanh hơn.
 
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 1.455 người. Họ thấy rằng chế độ ăn uống cụ thể có thể có kết quả tốt cho sức khỏe, nhưng đó là sự thật cho dù bạn thuộc nhóm máu nào. Ví dụ, những người tham gia của "chế độ ăn kiêng cho nhóm máu O" về cơ bản tuân theo chế độ ăn ít carb, và những lợi ích tương tự từ loại chế độ ăn kiêng đó có thể mang đến cho bất kỳ ai. Vì nhóm máu không ảnh hưởng đến chế độ ăn kiêng, nghiên cứu lớn này đã làm sáng tỏ toàn bộ khái niệm, đánh dấu chế độ ăn kiêng dựa trên nhóm máu là một niềm tin “mê tín” về sức khỏe.
 
17. Bạn có thể thải độc cơ thể của bạn?
Cơ thể của bạn cần được làm sạch để tự thải độc tố? Ý tưởng này thật hấp dẫn. Bạn có thể giúp cơ thể loại bỏ các hóa chất xấu, để có nhiều năng lượng hơn, tập trung tinh thần hoặc ngủ ngon hơn, bạn sẽ làm điều đó chứ? Ngoài ra bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn khi lấy những thứ xấu ra khỏi cơ thể, đặc biệt nếu bạn được bảo rằng việc này sẽ giúp chữa được một vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, thải độc cơ thể thực sự có hiệu quả chăng?
 
Bác sĩ có thể biết một liệu pháp thải độc có hiệu quả hay không nếu họ biết hai điều. Đầu tiên, họ cần biết chất độc nào đang được loại bỏ khỏi cơ thể. Thứ hai, họ cần biết nó được loại bỏ như thế nào. Một nhóm các nhà khoa học đã xem xét 15 sản phẩm được tuyên bố giúp thải độc cơ thể của bạn. Các sản phẩm dao động từ tẩy tế bào chết ở mặt cho đến nước đóng chai. Hầu hết các công ty bán các sản phẩm này chỉ đơn giản đổi tên các quy trình thông thường như làm sạch hoặc đánh răng, và gọi chúng là "thải độc". Ví dụ, một trong những loại tẩy da chết "thải độc" bụi bẩn và trang điểm, cũng là những gì bạn tìm thấy ở bất kỳ loại kem tẩy tế bào chết nào. Các nhà điều tra cho biết các công ty này không thể giải thích cách họ loại bỏ độc tố cũng như "chất độc" mà sản phẩm của họ được thiết kế để loại bỏ. Nói cách khác, họ chỉ đơn giản sử dụng "thải độc" như một từ để quảng cáo.
 
Vì vậy, nếu một sản phẩm tuyên bố làm sạch ruột của bạn, thải độc cho thận hoặc giúp bạn tiết ra độc tố qua đường mồ hôi, hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua. Thải độc đúng quy định chỉ diễn ra trong bệnh viện, và thường chỉ khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra, như ở những bệnh nhân bị ngộ độc kim loại nặng hoặc nghiện rượu.
 
18. Sản phẩm đặc biệt có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn?
Nhiều sản phẩm tuyên bố sẽ cải thiện hoặc "tăng cường" hệ thống miễn dịch của bạn theo một cách nào đó. Nhưng chúng thường không chỉ rõ là tăng cường phần nào của hệ thống miễn dịch. Bạn nên tự hỏi: "Phần nào của hệ thống miễn dịch mà nó tăng cường?" Hệ thống miễn dịch của bạn là một chuỗi các quá trình phức tạp liên quan đến kháng thể, một số protein, một phần máu của bạn (bao gồm cả tế bào bạch cầu), và nhiều thứ hơn nữa. Khi một sản phẩm chỉ đơn giản nói rằng nó "tăng khả năng miễn dịch", nhưng không nói làm thế nào, bạn cần phải báo động đỏ cho điều này.
 
Hơn nữa, có những cách tăng cường hệ thống miễn dịch sẽ gây hại cho cơ thể của bạn. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của chức năng miễn dịch là viêm, quá trình tự nhiên mà cơ thể bạn vận hành để chống lại vi khuẩn, vi rút và bất cứ thứ gì trong cơ thể mà các tế bào của bạn không nhận ra. Kích hoạt phản ứng viêm của bạn là một trong những cách mà một sản phẩm có thể làm để tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, nhưng nó cũng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các vấn đề sức khỏe khác.
 
Cách tốt nhất để cải thiện phản ứng miễn dịch của bạn là tuân thủ các điều cơ bản về sức khỏe: ngủ nhiều, tập thể dục thường xuyên và ăn thực phẩm lành mạnh. Ngay cả trong các lĩnh vực này, nhiều nghiên cứu vẫn đang được thực hiện và vẫn còn nhiều tranh cãi.
 
19. Bạn chỉ sử dụng 10% bộ não của bạn?
Nếu bạn chỉ sử dụng 10% bộ não, điều đó có nghĩa là bạn có thể loại bỏ 90% và vẫn ổn chứ? Những người ủng hộ giả thuyết này nói rằng nếu bạn có thể sử dụng phần còn lại của sức mạnh tinh thần, bạn có thể mở khóa những khả năng to lớn ẩn sâu bên trong. Nhưng vấn đề ở đây là gì? Điều đó hoàn toàn không đúng.
 
Có thể những nghiên cứu trên chuột vào những năm 1930s đã dẫn đến ý tưởng này. Trong các nghiên cứu này, các bộ phận của não chuột đã bị loại bỏ và chuột vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ cơ bản. Nhưng đó chỉ là một phần cụ thể trong bộ não của loài gặm nhấm và chuột có thể có những thiếu sót khác trong chức năng mà chưa được thử nghiệm.
Giả thuyết này cũng chỉ là một giả thuyết. Quét não cho thấy rõ rằng bất kể bạn làm hoạt động gì, não của bạn vẫn hoạt động và tham gia vào. Chắc chắn, một số phần của bộ não được "bật" cho một số hoạt động hơn những phần khác, nhưng không có bất kỳ khu vực nào không được sử dụng.
 
20. Bơi ngay sau khi ăn có khiến bạn bị chuột rút?
Bạn nên chờ bao lâu sau khi ăn thì mới đi bơi? Lời khuyên là bạn nên đợi ít nhất 100 năm sau khi ăn, với lời cảnh báo rằng bạn sẽ bị chuột rút nếu bạn bơi quá sớm. May mắn cho những người bơi trẻ tuổi ở khắp mọi nơi, điều  này không đúng.
 
Nhưng nếu bạn bị chuột rút khi bơi thì sao? Ngay cả khi một dạ dày đầy đủ không gây ra chuột rút, bạn vẫn có thể bị rút cơ, hoặc co thắt cơ đùi khi đang bơi. Chuột rút không khiến bạn trượt xuống dưới nước miễn là bạn không hoảng hốt. Nếu bạn bắt đầu bị chuột rút trong khi bơi, hãy siết chặt rồi thả lỏng các cơ bị chuột rút cho đến khi chúng không còn nữa


Theo Internet