Văn hóa phương Tây và phương Đông có quan điểm khác nhau về hạnh phúc.
Vài năm trước, tôi đã có cơ hội phát biểu tại một hội thảo có tên là “Hạnh phúc và nguyên nhân của hạnh phúc”, hội thảo có sự tham dự của các nhà tâm lý học phương Tây và các học giả Phật giáo để khám phá nguyên nhân khiến cho mọi người hạnh phúc. Tại hội nghị, tôi thật sự ấn tượng với tầm quan trọng của chủ đề hạnh phúc, đặc biệt là đối với “dịch bệnh” trầm cảm đang gia tăng ngày nay. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ sinh viên đại học tìm đến các dịch vụ sức khỏe tâm thần đang ở mức cao hơn bao giờ hết, đồng thời,các đầu sách về trị liệu tâm lý và sách tự lực (không kể các ứng dụng về sức khỏe tâm thần) hiện là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la.
Nhưng tôi cũng bị ấn tượng bởi cách các học giả Phật giáo định nghĩa "hạnh phúc", nó hoàn toàn khách với hầu hết các nhà tâm lý học có mặt tại hội nghị. Đôi khi, hai nhóm này dường như đang nói về những điều hoàn toàn khác nhau.
Thiền chánh niệm là một trong những công cụ ngày càng được sử dụng rộng rãi bởi các nhà trị liệu tâm lý trong vòng 10 đến 15 năm qua. Thiền chánh niệm được chuyển thể từ Phật giáo, và nghiên cứu cho thấy các liệu pháp dựa trên chánh niệm có hiệu quả trong việc điều trị trầm cảm, lo lắng, thậm chí là đau đớn về thể chất. Vì thế, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhiều học giả Phật giáo tại hội nghị đã phê phán việc sử dụng phương pháp này trong các chương trình trị liệu của tâm lý học phương Tây.
Thượng tọa Robina Courtin - một ni cô người Tây Tạng và là một trong những người tổ chức hội nghị, đã chia sẻ với tôi trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Giới thiệu về Sức khỏe” của đài KPFA, “Một phần vấn đề ở đây là bất kỳ ai cũng có thể sử dụng từ thiền định. Đức Phật không giữ bản quyền của từ này. Nhưng nếu chúng ta muốn làm theo Phật giáo, chúng cần hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nó. Tôi cho rằng hiện nay đang có rất nhiều hiểu lầm về từ này. Quan niệm sai lầm đầu tiên là bạn chỉ ngồi thiền khi bạn gặp vấn đề, vì vậy chúng ta chỉ nói về thiền như một viên thuốc, điều đó thật vô lý. Thiền không phải là sự thay thế cho một viên thuốc. Thiền không phải là một kỹ thuật thư giãn. Thiền cũng không phải với mục đích làm cho tất cả những suy nghĩ tiêu cực biến mất. Thiền lại càng không phải để có một tầm nhìn và cảm xúc đặc biệt. Thiền không giống bất kỳ những gì vừa kể trên.”
Quan điểm của ni cô dường như mang đến một cái nhìn khác về hạnh phúc. Thật vậy, tâm lý học phương Tây đôi khi đối xử với chánh niệm giống như một viên thuốc hạnh phúc: Sử dụng nó và mọi thứ sẽ rất tuyệt.
Hoàn toàn bối rối và bị mê hoặc bởi những khác biệt này, tôi bắt đầu một hành trình cho chính mình. Là một nhà tâm lý học phương Tây, tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu khái niệm hạnh phúc mà văn hóa phương Tây định nghĩa. Tuy nhiên, tôi không biết gì về cách mà Phật giáo hiểu về khái niệm này. Vì vậy, trong những năm qua, tôi thường xuyên tham dự các buổi thiền nhóm, các bài pháp thoại và nhiều sự kiện khác tại một trung tâm thiền Phật giáo Tây Tạng ở nơi tôi sinh sống khoảng hai hoặc ba lần một tuần, và bắt đầu thực hành thiền định hàng ngày. Tôi cũng đọc rất nhiều sách và bài viết về định nghĩa hạnh phúc trong cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Hóa ra hạnh phúc phức tạp hơn nhiều người nghĩ, và tôi thực sự vẫn chưa hiểu được nó từ góc độ văn hóa.
Trong bài đánh giá nghiên cứu về hạnh phúc, Mohsen Joshanloo, Giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tâm lý học Tích cực thuộc Đại học Melbourne, đưa ra trường hợp rằng tâm lý học phương Tây chủ yếu đánh đồng hạnh phúc với chủ nghĩa khoái lạc. Tóm lại, sự hiểu biết chủ yếu của phương Tây là hạnh phúc đạt được khi chúng ta cảm thấy tốt. Ngược lại, các truyền thống phương Đông có xu hướng lấy quan điểm về hạnh phúc của Eudaimonic, ưu tiên sự thông thái và ý nghĩa hơn là niềm vui khoái lạc. Trong Phật giáo, niềm vui là điều không tồn tại mãi mãi. Theo thời gian, sự thỏa mãn khi ta sở hữu một điện thoại thông minh mới, hoặc có mức lương cao hơn, hoặc được khen ngợi sẽ mờ dần nhạt dần. Vì vậy, hạnh phúc dựa trên các yếu tố bên ngoài như vậy thì không phải thực sự là hạnh phúc
Tất nhiên, thế giới quan của phương Đông không phải lúc nào cũng giống nhau. Truyền thống tâm linh và triết học có rất nhiều, bao gồm nhiều trường phái Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Thần đạo, và những trường phái khác. Ngay cả trong mỗi trường phái này, người thực hành cũng có những niềm tin rất khác nhau. Chúng ta đều là những sinh vật độc đáo và phức tạp. Nhưng Joshanloo thấy rằng cách tiếp cận cuộc sống đa dạng này chia sẻ những ý tưởng về hạnh phúc tương phản rất nhiều với quan điểm của phương Tây.
Đây là bốn trong số những điều quan trọng nhất:
1. Tự siêu việt quan trọng hơn tự cường.
Nếu bạn là người đến từ phương Tây, rất có thể bạn sẽ cho rằng bạn có một cái tôi, nó độc lập với thế giới xung quanh bạn và tạo nên những bức tranh trong cuộc sống của bạn. Ý tưởng về một cái tôi độc lập này dựa trên nền văn hóa phương Tây về chủ nghĩa cá nhân. Quan niệm rằng một hành vi chủ yếu nên được xác định bởi các mục tiêu và giá trị cá nhân, độc lập với những người khác. Từ quan điểm này, một cuộc sống tốt đẹp đạt được bằng cách nâng cao bản thân thông qua các yếu tố như tự chủ, thành tích và lòng tự trọng của cá nhân đó. Ngược lại, các ý tưởng phương Đông thường bắt nguồn từ chủ nghĩa tập thể. Quan niệm rằng hành vi của một người nên được xác định chủ yếu do các mục tiêu và giá trị được chia sẻ bởi nhóm hoặc tập thể, thường đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Như nhà nghiên cứu Kwang-Kuo Hwang của Đại học Quốc gia Đài Loan lập luận, trong nhiều truyền thống phương Đông, hạnh phúc đạt được bằng cách vượt qua bản thân, không tập trung vào bản thân và nhận ra rằng chúng ta được kết nối với người khác.
2. Hài hòa quan trọng hơn làm chủ.
Văn hóa phương Tây thường coi chúng ta là chủ nhân của thế giới xung quanh chúng ta. Ở phương Tây, con người thích kiểm soát mọi thứ. Họ có xu hướng thấy mình đứng tách biệt với thế giới và như Albert Gilgen và Jae Hyung Cho viết, “phân tích, gắn nhãn, phân loại, thao túng, kiểm soát hoặc tiêu thụ” nó. Phù hợp với ý tưởng này, trong một mô hình tâm lý của phương Tây, một người có khả năng hoạt động được định nghĩa là một người có ý thức làm chủ và năng lực trong việc quản lý môi trường. Ngược lại, trong nhiều thế giới quan phương Đông, con người được coi là một với vũ trụ và tất cả chúng sinh trong đó - một mảnh nhỏ nhưng không thể tách rời. Hạnh phúc vì thế đạt được thông qua việc hòa hợp với người khác và với thế giới xung quanh.
3. Hài lòng là quan trọng hơn sự thỏa mãn.
Trong tâm lý học phương Tây, sự thỏa mãn với cuộc sống được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong hạnh phúc. Sự thỏa mãn ngụ ý rằng thế giới phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta để chúng ta được hạnh phúc. Mặt khác, quan điểm của phương Đông về hạnh phúc có xu hướng nhấn mạnh sự hài lòng với cuộc sống. Mặc dù các phương pháp tiếp cận của phương Đông thừa nhận rằng việc có mục tiêu có thể giúp ích cho hạnh phúc, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng chúng ta có thể trải nghiệm sự hài lòng bất kể khi tất cả các mục tiêu của chúng ta có đạt được hay không. Bác sĩ tâm thần C.Shamasundar viết trên Tạp chí Tâm thần học Ấn Độ rằng sự hài lòng trong Ấn Độ giáo là một sự chấp nhận cực kỳ linh động về kết quả của nỗ lực trong việc đấu tranh từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nếu mục đích của chúng ta không phải là làm chủ vũ trụ mà là để hòa hợp với nó, chúng ta có thể hài lòng khi biết rằng chúng ta không có quyền kiểm soát cuối cùng đối với những gì xảy ra và chấp nhận rằng mọi thứ sẽ không phải lúc nào cũng như ý muốn của chúng ta.
4. Coi trọng đau khổ quan trọng hơn tránh đau khổ.
Trong tư tưởng phương Đông, hài lòng với cuộc sống bao hàm đến việc chấp nhận rằng những đau khổ nhất định là không thể tránh khỏi và thậm chí có giá trị. Bởi vì quan điểm của phương Tây về hạnh phúc thường bắt nguồn từ chủ nghĩa khoái lạc, họ nhấn mạnh rằng hạnh phúc đạt được bằng cách tránh đau đớn và tối đa hóa niềm vui. Trong thế giới quan này, chúng ta chỉ có thể hoàn toàn hạnh phúc khi không có gì xấu xảy ra. Tuy nhiên, theo một số quan điểm của phương Đông, Tất cả đều có giá trị trong việc nắm lấy cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của cuộc sống. Theo Joshanloo, Đạo giáo quan điểm rằng nếu ta không chấp nhận bất hạnh và hạnh phúc cùng tồn tại với nhau, thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ. Tương tự như vậy, trong Phật giáo, đau khổ được xem là một phần gần như không thể tránh khỏi của sự tồn tại thông thường của con người. Thừa nhận và thậm chí học hỏi từ sự đau khổ đó có thể giúp chúng ta vượt lên trên nó.
Hạnh phúc là một khái niệm rất cá nhân, và tất nhiên mọi người đều có quyền theo quan điểm riêng của mình về những gì làm cho cuộc sống này trở nên đáng sống hơn. Tuy nhiên, chúng ta thường có thể học được rất nhiều bằng cách xem xét các quan điểm khác với quan điểm của bản thân. Mặc dù các nhà tâm lý học phương Tây đã nhanh chóng chấp nhận chánh niệm như một công cụ trị liệu, nhưng họ vẫn đang còn chậm chạp trong việc khám phá một tầm hình rộng lớn hơn hỗ trợ công cụ đó. Điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta cũng cần thay đổi cách chúng ta nhìn nhận hạnh phúc. Nhưng có lẽ bằng cách xem xét bốn điểm trên, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cuộc sống của chúng ta.
Như Thượng tọa Robina Courtin đã nói với tôi khi đề cập đến hành trình cá nhân của bà trên con đường Phật giáo, “Nếu bạn kiểm tra từng quan điểm, chứng minh từng bước khía cạnh, và bạn thấy rằng những gì Đức Phật nói là sai, bạn nên từ chối những điều Phật dạy... Tất nhiên, bạn nên làm thế. Vì vậy, tôi coi đó là giả thuyết mà tôi phải chứng minh. Tôi không chỉ ngồi trên vòng nguyệt quế của mình và tin vào điều đó.”
Nếu một trong những mục tiêu của chúng ta trong cuộc sống là hạnh phúc, thì nó đáng để khám phá những giả thuyết khác nhau về cách đi đến hạnh phúc.
Theo Internet